Như vậy, việc chọn mua một chiếc ấm trước hết phải xuất phát từ chính nhu cầu của người mua. Nếu mục đích của bạn tìm chiếc ấm Tử sa để hàng ngày làm bạn với trà, thì nên chọn kiểu ấm đơn giản, hoa văn trang trí dễ nhìn, không gây khó khăn khi lau rửa, miệng rộng dễ cho trà vào bình và bỏ xác trà khi dùng xong. Cần nhất là một chiếc ấm hình thể cân đối, vững chãi, không dễ bị ngã đổ.
Cách chọn ấm Tử Sa
1.NHÌN BẰNG MẮT: Hình dáng thanh thoát, ưa nhìn.Các bộ phận như :thân ấm, nắp, miệng, vòi, quai, đáy phải cân đối, liền lạc. Màu sắc đồng đều trong ngoài. Dấu triện của nghệ nhân hay nhà sản xuất nét chữ sắc sảo, đặt cân đối ở trung tâm đáy ấm, theo trục thẳng từ quai sang vòi ấm. Những chiếc ấm đắt tiền thường có thêm dấu triện phụ dưới nắp và quai cầm thật rõ nét. Vòi ấm có thể dài ngắn khác nhau, nhưng quan trọng là khi rót, nước chảy thông, đều và thẳng dòng, không rơi vãi hay đọng giọt nhểu ra ngoài.
2.NGHE BẰNG TAI: Đặt ấm lên lòng bàn tay, tay kia cầm nắp ấm khẽ gõ vào quai, tiếng kêu đanh; chắc như kim loại chạm vào nhau.
3.CẢM NHẬN BẰNG TAY: Trơn láng, mịn màng, không tì vết. Nắp và miệng ấm khít khao, vì ấm Tử Sa được nung trong lò liên tục 23 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ từ 1.190 – 1.270 độ C (trung bình 1.200 độ C), đòi hỏi tay nghề nghệ nhân phải cao, chất đất phải thật tốt và mịn mới không bị co giãn khi nung. Do tính bào mòn trong quá trình sử dụng, một chiếc ấm dùng càng lâu càng lên nước, không đổi màu, đó mới chính là đặc trưng ưu việt của ấm Tử sa, chứ màu sắc đất không liên quan gì đến chất lượng và công dụng.
Ấm Tử sa cổ
Ngoài ra, bạn đừng bao giờ nghe lời quảng cáo những chiếc ấm Tử sa mới phát ra mùi thơm. Vì ấm làm bằng đất đào trong núi, lọc lắng thành bùn, lại phải qua quá trình nung trong lò, làm sao có mùi thơm được? Hoặc có người tin rằng, ấm Tử sa càng lâu năm càng có giá trị. Điều đó chỉ đúng một phần về giá trị lịch sử (như chơi đồ cổ), thực tế không phải chiếc ấm Tử sa lâu năm nào cũng đạt chuẩn về tính nghệ thuật, kỹ thuật tay nghề, chất liệu...Trong giới chơi ấm hiện nay, có những chiếc ấm mới làm ra nhưng giá trị cao gấp nhiều lần những chiếc ấm lâu năm.
Ấm có vòi khi rót nước chảy xoắn vòng
Sử dụng và bảo dưỡng ấm Tử saSở dĩ gọi bảo dưỡng (thay vì bảo quản) là do ấm Tử sa có đời sống riêng của nó. Những chiếc ấm trải qua thời gian dài sử dụng và bảo dưỡng sẽ trở nên sáng ngời, tròn trịa, dày nặng, rắn chắc và tinh khiết...Nói chung, giá trị của nó chỉ có tăng chứ không giảm. Ấm mới mua về, có người dùng giấy nhám loại nhuyễn thấm nước kỳ cọ mặt trong cho sạch lớp bùn (thời xưa, dùng ngói lợp nhà làm bằng đất đen ở vùng Giang Nam tán thành bột nhuyễn, dùng mấy lớp vải sô bọc lại để chà xát, cọ rửa), sau đó cho ấm vào một nồi nước đun sôi suốt mấy tiếng đồng hồ. Có người dứt khoát đun sôi ấm như thế trong một nồi trà lớn, để ấm có thể hấp thu chất trà vào các lỗ thông khí kép (khí khổng), loại bỏ mùi của đất. Ngày nay, trên thị trường đã có bán loại máy chuyên dùng bảo dưỡng ấm, bằng cách phun nước trà liên tục suốt một ngày đêm, để tôi những chiếc ấm mới.
Ấm Tử sa Nghi Hưng
Uống trà bằng ấm Tử sa, tốt nhất mỗi loại trà nên dùng một ấm riêng, để giữ hương vị đặc trưng. Ngay cả khi dùng trà để tôi ấm, nấu ấm mới, cũng nên dùng đúng loại trà ấy. Mỗi buổi sáng, khi rửa bộ đồ trà, bằng cách dùng xác trà cũ trong ấm chà xát lên toàn thân ấm, có thể làm sạch các vết dơ mà không gây trầy xước. Đối với những chiếc ấm cũ bề mặt bị hư tổn, nứt rạn nhẹ, dùng phương pháp “nước trà dưỡng ấm” có thể khôi phục, những vết nứt rạn sẽ dần dần khít lại, đúng là “tôn cổ xuất tân”. Chọn trà cho ấm, chọn ấm cho trà. Dùng ấm để cất giữ hương vị trà, dùng trà để bảo dưỡng ấm, đã trở thành chân lý của một thú chơi thi vị.
Nghệ nhân Tử sa xưa và nay
Cho đến bây giờ, các tài liệu sách vở đọc được đều cho biết, Cung Xuân là người sống qua hai triều vua Gia Tĩnh, Chính Đức đời Minh đã khắc dấu ấn tên mình lên chiếc ấm Tử sa đầu tiên. Thành công này đã gây men cho một thế hệ nghệ nhân nổi lên vào triều Vạn Lịch nối tiếp, gồm có: Đổng Hàn, Triệu Lương, Nguyên Sướng và Thời Bằng. Tác phẩm của Triệu Lương, Nguyên Sướng và Thời Bằng mang phong cách cổ sơ của Cung Xuân, riêng Đổng Hàn là người đầu tiên sáng tạo ra dòng ấm dạng hoa trám trang nhã mà tinh xảo vôcùng.
Sau “Tứ đại danh gia” là đến thời của các nghệ nhân: Lý Mậu Lâm giỏi làm ấm tròn, nhỏ; thoạt nhìn không thấy đẹp nhưng quan sát kỹ thì cấu tứ cực kỳ tinh tế, ông đã có những cải tiến quan trọng ở công đoạn nung ấm Tử sa. Thời Đại Bân là con của Thời Bằng, nhưng tài nghệ có phần vượt trội cha mình, ông là nhà chế tác ấm Tử sa nổi tiếng chỉ sau Cung Xuân. Thời của ông xuất hiện bài đồng dao Đào tứ, ca rằng: Nghi Hưng diệu thủ sổ Cung Xuân, hậu bối duy suy Thời Đại Bân (Bàn tay kỳ diệu của Nghi Hưng phải kể đến Cung Xuân, duy lớp sau đáng ca ngợi chỉ có Thời Đại Bân).
Thời Đại Bân truyền nghệ cho nhiều đệ tử, xuất sắc hơn cả có Lý Trọng Phương và Từ Đại Bân, ba người để lại cho đời nhiều kiệt tác ấm Tử sa, được xưng tụng là “ Hồ gia diệu thủ tam đại”. Lý Trọng Phương là con trai của Lý Mậu Lâm, tác phẩm của ông văn nhã, nhưng xét về mặt kỹ thuật thì thật tử công phu. Sau “Tam đại” là nhiều tên tuổi khác, nhưng đặc biệt nổi trội có Trần Trọng Mỹ và Thẩm Quân Dụng, những ấm Tử sa do họ làm ra đều được người đương thời gọi là “thần phẩm”.
Đến đời Thanh, nghệ thuật chế tác ấm Tử sa lại tiến thêm một bước dài, thời mạc Minh sơ Thanh có Trần Minh Viễn, tên hiệu Hạc Phong hay Hồ Ẩn chế tạo những trà cụ nhã ngoạn với phong cách mới lạ, hoa văn đường nét khắc chạm tinh tế, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Thời Gia Khánh- Đạo Quang có hai anh em Dương Bành Niên, Dương Phụng Niên (nữ) làm ra những chiếc ấm Tử sa với hình dáng thật lạ mắt, lung linh tự nhiên như vật thật. Đặc biệt, Dương Bành Niên còn hợp tác với Trần Mạn Sinh ở Thạch Kim Gia, là đương chức tri huyện Lệ Dương, dùng dao tre khắc tranh lên phôi ấm, mở ra một chương mới cho nghệ thuật tạo hình và trang trí ấm Tử sa. Tác phẩm hợp tác của hai người ký “Á Mạn Đà Thất”, đáy và quai ấm có dấu triện “Bành Niên”, cũng gọi là “Mạn Sinh”. Cùng thời với hai người có Thiệu Đại Hanh nổi tiếng làm những chiếc ấm hình khóm trúc, cá hoá rồng, tạo dáng hồn hậu chất phát , tinh mỹ vô cùng, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chế tạo ấm Tử sa.
Nghệ nhân Tử sa tên tuổi ở vào hai triều Minh- Thanh rất nhiều, trên đây chỉ kể những người nổi trội nhất. Từ cuối triều đại nhà Thanh đến thời kỳ Dân quốc, ngành sản xuất và buôn bán ấm trà Tử sa phát triển rất mạnh, các lò gốm quy mô lớn có đến hàng trăm công nhân, còn các lò nhỏ hoạt động theo mô hình sản xuất gia đình. Năm 1912, Châu Văn Bá là người sáng lập công ty đồ gốm Tử sa đầu tiên ở TQ. Năm 1917, chính quyền tỉnh Giang Tô cho phá núi xây Công xưởng gốm Tử sa Giang Tô, khâu kỹ thuật do hai nghệ nhân trứ danh Trình Thọ Trân và Du Quốc Lương đảm trách. Đới Quốc Bảo là nghệ nhân khắc sứ nổi tiếng cũng mở công ty đồ gốm Thiết Họa Hiên, ông mua phôi ấm của các nghệ nhân có tiếng ở Nghi Hưng như: Tưởng Yến Đình, Chí Cự, Hùng Cao, Trình Thọ Trân, Uông Bảo Căn...về khắc tranh, thư pháp rồi đem nung, bán ra thị trường. Ngoài Thiết Họa Hiên, Nghi Hưng còn có những xưởng gốm Tử sa xuất khẩu ấm trà ra nước ngoài nổi tiếng, như xưởng Trần Đỉnh Hòa của nghệ nhân Trần Nguyên Minh, lò Cát Dực Dân chuyên cung cấp ấm Tử sa cho một công ty Nhật ở Osaka...
Đến thời điểm hiện nay, các nghệ nhânTử sa đương đại thuộc hàng “cao thủ” ở Nghi Hưng có 8 vị: Cố Cảnh Chu, Tưởng Dung, Bùi Thạch Dân, Chu Khả Tâm, Ngô Vân Căn, Vương Dần Xuân, Nhậm Cán Đình và Đàm Tuyền Hải. Các nghệ nhân này hầu hết đều giữ những chức vụ quan trọng trong ngành mỹ thuật tỉnh Giang Tô. “Danh sư xuất cao đồ”, học trò và con cái của họ cũng là những nghệ nhân kiệt xuất trong nghề: Từ Hán Đường, Từ Tú Đường, Lý Xương Hồng, Thẩm Cừ Hoa (nữ), Lý Bích Phương (nữ), Uông Dần Tiên (nữ), Lữ Hiểu Thần, Ngô Chấn, Bào Chí Cường, Trữ Lập Chi, Cố Thiệu Bồi, Hà Đạo Hồng...Thành phố Nghi Hưng hiện có tới 20 công ty, nhà máy chuyên sản xuất mặt hàng gốm Tử sa, mỗi ngày có 20 ngàn nghệ nhân, công nhân đến xưởng làm việc.
SONG MỘC